Bộ phim Law School (Trường Luật) của Hàn Quốc, tôi vô cùng ngưỡng mộ các giáo sư của trường đại học Hankuk trong phim. Tôi ước mơ sau khi tốt nghiệp có thể trở thành một giảng viên dạy Luật, đứng trên bục giảng đầy uyên bác, cương nghị, chính trực. Ấy thế nhưng mỗi khi nói mình học Luật, mọi người lại thường hỏi tôi thích làm luật sư à? Thì ra khi nói đến học Luật, vẫn còn rất nhiều nhầm lẫn “tai hại” dành cho sinh viên của ngành học này. Chính sự mơ hồ ấy đã kéo theo những hoang mang cho không chỉ những sinh viên tương lai của các trường đại học trong cả nước, mà còn cho cả bố mẹ, gia đình và những người xung quanh. Chúng ta sẽ cùng “phản đối” và “làm sáng tỏ” những nhận định này.

1. HỌC NGÀNH LUẬT ĐỂ RA TRƯỜNG LÀM LUẬT SƯ

Đây có lẽ là một trong những nhầm tưởng “kinh điển” nhất mà số đông vẫn thường nghĩ đến khi đề cập tới chuyện học luật. Làm luật sư là một nghề đầy thú vị và rất nhiều bạn theo học ngành Luật với đam mê sau khi tốt nghiệp sẽ trở thành một luật sư xuất sắc. Tuy nhiên, thực tế là, trở thành luật sư mới chỉ là một trong số vô vàn những con đường mà một sinh viên luật sau khi tốt nghiệp có thể lựa chọn. Là một cử nhân luật, với tất cả những kiến thức và kỹ năng chuyên môn mà bạn được trang bị và tự trau dồi trong 4 năm Đại học, bạn còn có thể trở thành kiểm sát viên, điều tra viên, thư ký toà án, chuyên viên tư vấn pháp lý, pháp chế ngân hàng hoặc chuyên viên pháp lý của bất kỳ lĩnh vực nào bạn mong muốn… Trong khối cơ quan nhà nước hiện nay, đều có những vị trí đòi hỏi bắt buộc phải do cử nhân tốt nghiệp ngành luật đảm nhiệm. Còn ở khu vực ngoài nhà nước, nếu chịu khó quan sát, bạn sẽ thấy rằng không có doanh nghiệp nào không cần đến một chuyên viên pháp chế thực thụ. Nếu họ không sở hữu ít nhất một nhân viên như vậy, họ sẽ phải trả phí theo giờ để được luật sư tư vấn các vấn đề liên quan đến quy định của pháp luật. Vậy là, chỉ bằng một cái nhìn rất khái lược, chúng ta đã có thể thấy “mảnh đất màu mỡ” dành cho những người học luật.

Những hiểu lầm thường gặp khi nói đến học ngành Luật

2. HỌC LUẬT LÀ PHẢI HỌC THUỘC

“Học Luật chắc phải học thuộc nhiều lắm nhỉ?” chắc là câu hỏi sinh viên Luật gặp không ít. “Hiểu lầm” này tồn tại phổ biến và “sống động” trong suy nghĩ của rất nhiều người. Ừ thì sinh viên Luật chúng ta cứ tự hào vì học thuộc nhanh đi, thế nhưng không ổn chút nào khi hiểu lầm này lại khiến rất nhiều người ngần ngại khi cân nhắc đến chuyện học luật vì thiếu tự tin vào khả năng học thuộc của bản thân.

Sẽ không có một vụ án, một vụ kiện, hay một  thương vụ kinh doanh nào là nơi để các luật sư, các chuyên viên pháp chế,… so tài xem ai thuộc nhiều điều luật hơn, ai đọc chúng trôi chảy hơn. Trên thực tế, trong quá trình đào tạo tại trường đại học, điều quan trọng và cốt lõi nhất mà một sinh viên luật cần học được chính là cách tư duy, cách xác định vấn đề, cách đặt câu hỏi, cách trả lời và cách phản biện với mọi điều diễn ra xung quanh. Những điều này sẽ được ứng dụng vào công việc thực tế sau khi tốt nghiệp và đóng vai trò quyết định sự thành công hay thất bại của một người làm nghề luật.

“Học Luật là học tư duy”

“Học Luật là học tư duy”

Điều quan trọng phải nhắc lại hai lần.

3. SINH VIÊN LUẬT KHÔ KHAN VÀ CỨNG NHẮC

Thêm một “hiểu lầm” khiến cho ngành Luật trở nên bớt “hấp dẫn” trong con mắt rất nhiều người trẻ. Suy nghĩ này có lẽ cũng gần tương tự như cách tôi hình dung về các kỹ sư cơ điện hoặc các nhà khoa học nghiên cứu về chính trị vậy. Chúng ta thường hay hiểu nhầm về những gì mà ta không biết rõ, do không có cơ hội hoặc không chịu tìm hiểu ngọn ngành. Và hiểu nhầm có lẽ còn tệ hơn là không hiểu gì về nó.

Khi tìm hiểu về pháp luật, bạn sẽ hiểu rằng bất cứ một quy định nào cũng đều phải trải qua rất nhiều quy trình, thủ tục để có thể được thông qua, ban hành và đi vào thực tế. Những quy trình, thủ tục ấy, ngoài việc đảm bảo tính đúng đắn cho pháp luật thì còn để chắc chắn rằng chúng sẽ phù hợp với luân thường đạo lý, đi sâu vào điều chỉnh đời sống xã hội. Bởi có như vậy, pháp luật mới có thể thực sự gắn với cuộc sống, đi vào cuộc sống và tồn tại, phát triển cùng cuộc sống. Pháp luật do con người tạo ra, con người có thể sai cho nên pháp luật không thể luôn luôn hoàn hảo. Nhưng điều quan trọng hơn cả là mỗi chúng ta, tất cả chúng ta đều luôn hướng tới những điều tốt đẹp hơn, hoàn thiện hơn mỗi ngày.

Chính vì vậy, sinh viên Luật cũng có đời sống cực kỳ phong phú, tham gia trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Theo học ngành Luật, các bạn cũng có cơ hội tham gia rất nhiều hoạt động khác nhau từ tình nguyện, hiến máu, tuyên truyền pháp luật đến những cuộc thi hùng biện, thi nhảy, thi hát, thi sinh viên thanh lịch nữa. Các bạn biết không, quán quân cuộc thi tìm kiếm tài năng Việt Nam – Vietnam’s got talent 2013 là một cựu sinh viên Luật, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2020 vừa rồi có đến 2 thí sinh lọt vào top 15 là sinh viên Luật. Tại Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, ngành Luật cũng là ngành có sinh viên xuất sắc đạt danh hiệu Á khôi của cuộc thi Hoa khôi dành cho sinh viên Luật đến từ khắp cả nước đó. Điều đó chứng tỏ sinh viên Luật không hề khô khan đúng không nào?

Đứng trước mỗi bước ngoặt của cuộc sống, băn khoăn là điều không ai tránh khỏi. Lựa chọn ngành Luật hay bất cứ một ngành nào khác là lựa chọn quan trọng của các bạn học sinh tại thời điểm này. Hy vọng những “hiểu lầm” trên sau khi được “minh oan”, sẽ không còn là những rào cản ngăn các bạn đến với con đường trở thành sinh viên Luật, một ngành học vô cùng thú vị nhưng cũng rất “khó nhằn” để các bạn chinh phục nó nhé.

0858862828
Zalo / Facebook
Facebook Messenger
Zalo #
More